Leezo xin phép trích xuất trong quyển “Phật Học Phổ Thông – Quyển 2” đoạn sau:
Khi ông A Nan thoát được nạn, về đến chỗ Phật, cúi đầu kính lạy, buồn tủi, khóc than mà bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại: Con là em Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho con thần thông trí huệ, hay đạo quả Bồ-Đề, nên chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng cần tu niệm, không ngờ ai tu nấy chứng, mặc dù con là em của Phật, nếu không tu, thì cũng bị đoạ như ai; học nhiều mà không tu, thì cũng chẳng có ích gì!“
Đọc câu “chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng cần tu niệm” xong, Leezo chợt buồn chút vì câu này đang phản ánh hiện trạng một bộ phận những người trên hành trình tìm về sự Thức Tỉnh đang mắc phải.
Khi ta bắt đầu bước chân ra khỏi vùng sương mù mê hoặc, thật nhiều điều mới lạ, vừa hào hứng cũng vừa bỡ ngỡ hoang mang. Thấy bất cứ ánh sáng nào ta cũng lao tới, tìm tòi, khám phá, ngắm nghía, diễn giải, thử nghiệm. Kiến thức thật bao la, ta say mê, đắm mình vào những thứ mới khai phá đó.
Rồi ta lạc!
Ánh sáng có hai loại cơ bản: tự nhiên và nhân loại. Mỗi loại lại có nhiều dạng khác nhau. Ánh sáng tự nhiên có mặt trăng, mặt trời, sao, đom đóm,… Ánh sáng nhân tạo có đèn pin, đèn tuýp, đèn neon, đèn điện, diêm,… Thật đa dạng và phong phú. Ta có thể dừng lại một chút để tìm hiểu nó, nhưng chỉ một chút rồi, quay lại việc chính là đi đường. Nếu ta ham mê chìm đắm muốn tìm hết cái này đến cái khác, thì ta sẽ lạc trong chính thứ ánh sáng đó. Nhẹ thì mất thời gian, mất công sức, nặng thì hỏng mắt và chết mòn trong việc tìm hiểu ánh sáng. Vậy là ta vẫn mê đó, đi từ cái mê trong sương mù đến cái mê ánh sáng. Nếu tỉnh thì ta sẽ biết, ánh sáng là thứ giúp soi rọi con đường ta đi mà thôi.
Bước vào địa hạt của khoa học tâm linh – thức tỉnh – chữa lành -… cũng vậy.
Biết bao người vì thức tỉnh mà đi, nhưng càng đi càng mê, không thấy tỉnh.
Biết bao người vì chữa lành mà đi, nhưng càng đi càng què, không thấy lành.
Biết bao người vì ham học hỏi mà đi, nhưng càng đi càng ham, không thấy học hỏi.
Nếu bạn biết mình đang mê, què, ham thì thật là tốt rồi, vì bạn biết dừng lại, bạn còn sáng suốt để biết mình đang lạc. Không nhận ra điều đó, mà cứ như thiêu thân lao vào ánh sáng, thì vẫn còn lạc.
“Tu niệm“: đừng vội định nghĩa hạn hẹp đây là từ dành cho người xuất gia đi tu để niệm chú đọc kinh. “Tu” còn nhiều nghĩa lắm: tu hành (‘hành’ là hành động), tu tập, tu tâm dưỡng tính, quán sát cái tâm của mình, quay về bên trong để nghiệm… “Niệm” là ghi nhớ, nhớ những điều cốt lõi trong cuộc sống của bạn, ghi nhớ điều hay lẽ phải, ghi nhớ đạo lý làm người, ghi nhớ những giá trị thực sự của thức tỉnh…
Bước chân vào con đường trở về với chính mình, trở về với chân giá trị cốt lõi, trở về với sự thức tỉnh tự thân, trở về với bản thể mà mình vốn là, Bạn hãy chọn sự “tu niệm” cho mình nữa chỉ, chứ chỉ đừng nghe học không. Học đi đôi với hành. Đừng mải tìm ánh sáng mà quên mất con đường phải đi. Ánh sáng là công cụ bên ngoài, đi con đường đó mới là việc chính cần làm. Nếu ta thực sự tĩnh lại, quán sát thấu suốt, ta sẽ thấy có thứ ánh sáng thực sự bên trong mình phát ra, để soi rọi chính con đường mình đang đi.
Cầu nguyện cho tất cả chúng ta sáng suốt và tinh tấn trên con đường mình đi!
Một ngày thật đẹp trên Trái Đất,
Chân Thật và Tự Do,
Leezo.