Tu và Thầy Tu
Có một hôm đi ăn với bạn, gặp một anh, rồi anh ấy hỏi:”Em tu theo pháp môn gì?”.
Mình bảo:”Em không tu theo pháp môn nào. Em tu tâm dưỡng tính thôi.”
Ảnh bảo:”Mục đích cuối cùng của các pháp môn cũng là tu tâm dưỡng tính đó em.”
Rồi mình cười 😀
Mình cũng nghĩ vậy.
Khi nhắc đến “tu” mọi người thường nghĩ ngay đến “thầy tu” – một người sống nghiêm túc theo những giáo lý và luật lệ quy định của một tôn giáo.
Nhưng với mình “tu” khác nhiều chút.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Có người ngày ngày đọc kinh quỳ lạy, nhưng tâm tính không đổi, ngày càng dễ cáu gắt, nạt nộ, thị uy, lại ngạo mạn tự nghĩ rằng mình là ‘người tu’ nên hơn người khác. Có người ngày ngày chỉ quét nhà, trồng cây, nhặt rau, rửa chén, mà tâm tình ngày càng hoà ái, tĩnh lặng, khiêm nhường. Nên “thầy tu” và “tu” còn cách xa và khác xa nhau lắm.
Tu là gì và Tu như thế nào
TU với mình bao gồm nhiều hoạt động và trạng thái như: sửa mình, quán chiếu mình, tĩnh lặng, quan sát, thành thật với nội tâm mình và với mọi chúng sinh khác, nhận thức và buông bỏ, khiêm nhường, tôn trọng, biết ơn, hạ cái tôi xuống, thấu rõ bản chất thật của sự vật sự việc, nhận biết chính mình…
TU có nhiều phương tiện cách thức lắm: thiền, tụng kinh, trì chú, niệm danh hiệu, yoga chân chính, gõ Chuông, Reiki, tập thể dục, trồng cây, nấu cơm, giặt giũ, quét nhà, may vá, … và Thở ^.^
Khi Tu là Tu Tâm Dưỡng Tính, thì bất kỳ hoạt động gì cũng có thể là cách thức để Tu 🙂
Tu đơn giản
Hai câu thơ trong hình ảnh, mình trích từ bài “Lời khấn nguyện“. Bài này rất hay, mọi người có thể cân nhắc dùng nó làm kim chỉ nam trên đoạn đường tu hành của mình.
Mình viết bài này vì mình thích từ TU. Mình thích từ TU vì nó đơn giản, ngắn gọn, ít chữ, súc tích, lại hàm nghĩa sâu 😆 Và mình cũng mong mọi người có cái nhìn rộng hơn với từ “tu” ^.^
Mình sẽ không nói với mọi người:”Tu đi cho đời bớt khổ” mà mình sẽ nói:”Tu đi để thấy đời màu nhiệm” ^.^ Hãy sống vui, đừng sống buồn :v
Một ngày thật đẹp trên Trái Đất,
Chân Thật và Giản Đơn,
Leezo.