Home Khác Linh hồn Những hiểu biết sai lầm về Nghiệp / Nghiệp quả

Những hiểu biết sai lầm về Nghiệp / Nghiệp quả

Có rất nhiều hiểu biết sai lệch về nghiệp

Thứ nhất, nghĩ nghiệp là sự trừng phạt, bị động. Nghiệp hoạt động khách quan, tinh vi và cực kỳ chính xác. Một cơ chế hoàn thiện và phức tạp như vậy, chỉ có thể là do bàn tay của Thượng đế tạo ra. Mà Thượng đế chính là chúng ta, Thượng đế là tình yêu thương, nên Thượng đế không bao giờ trừng phạt chúng ta. Linh hồn có sự hiểu biết, chủ động trong việc chọn lọc, sử dụng nghiệp, nên không có chuyện linh hồn chỉ chịu đựng sự tác động một chiều của nghiệp. Do đó, trong sự vận hành của nghiệp, cả người trừng phạt và người bị trừng phạt đều không tồn tại. Có chăng là con người vật lý của bạn quá hạn chế, bị ngắt kết nối với linh hồn nên tự nhận mình là nạn nhân mà thôi.

Thứ hai, chỉ cần sống hòa bình, không làm hại đến ai, thì sẽ có một cuộc đời hạnh phúc. Quan điểm này bị ảnh hưởng bởi thuyết nhân quả hiện kiếp. Nếu chỉ xem xét nghiệp trong một kiếp sống, thì quan điểm này là đúng. Tuy nhiên, linh hồn là bất tử và đã sống nhiều kiếp sống, nên linh hồn sẽ học bài học của nhiều kiếp sống. Linh hồn sẽ dẫn dắt con người vật lý phải chịu trách nhiệm và hoàn tất các bài học của tất cả những con người vật lý ở các kiếp sống trước đó. Kiếp này bạn sống rất tốt, kiếp trước bạn trót làm sai, thì kiếp này vẫn phải trả quả bình thường. Điều này giải thích nhiều người sống tử tế nhưng vẫn phải trải qua cuộc đời đau khổ.

Thứ ba, người đang có cuộc đời yên ổn là người kiếp trước đã làm nhiều việc thiện, còn người trải qua cuộc đời sóng gió là người kiếp trước đã làm nhiều việc ác. Như trên đã phân tích, ai cũng học bài học bằng cách làm những việc sai trái, rồi sửa sai và hoàn thiện mình. Không ai xuống trái đất để chỉ làm người hoàn thiện. Người đang yên ổn chẳng qua là đang trải qua một chặng nghỉ tạm thời. Bài học cho họ đã được hoạch định và chắc chắn sẽ tới. Người đang trải qua sóng gió là người đang trải qua bài học. Khi học xong rồi, họ không cần học lại nữa. Bạn có thể quan sát, hầu hết mọi người dù thời trẻ có khỏe mạnh đến mấy, nhưng cuối đời đều qua đời vì bệnh tật, chứ không phải vì tuổi già. Kể cả những vị tu hành vẫn có thể mắc bệnh như người thường.

Thứ tư, gieo nhân nào thì phải gặt quá đó. Quan điểm này hiểu theo nghĩa rộng thì đúng, hiểu theo nghĩa đen, một một thì không. Phổ biến nhất là quan điểm kiếp trước giết người, kiếp này phải đền mạng. Nếu đúng như vậy, thì những người kiếp trước đã ra lệnh giết hàng ngàn, hàng vạn người, thì sẽ phải đầu thai để bị giết hàng ngàn, hàng vạn lần hay sao? Thực ra nghiệp chỉ nhằm mục đích giúp linh hồn hiểu ra bài học, không phải để trừng phạt, nên thay vì bị giết, người đóng vai thủ phạm kiếp trước có thể chỉ bị đánh đập, ngược đãi hay bị lừa một số tiền lớn. Tôi đã gặp những chủ thể kiếp trước là người giàu có, bức tử đến chết hai vợ chồng người làm của mình, kiếp này họ đầu thai lại làm chính bố mẹ của bạn và đối xử rất khắc nghiệt với bạn. Bạn từ chỗ rất hận bố mẹ, đã sám hối và biết ơn họ vì họ đã không bắt bạn phải chết như cách bạn đã từng đối xử với họ.

Từ những hiểu biết sai lầm, dẫn đến thái độ sai lầm về nghiệp

Thứ nhất, thấy nghiệp thật xấu xa, đáng sợ, mong rằng sẽ không gặp nghiệp. Đây là thái độ trốn tránh nghiệp phổ biến, là nguồn gốc của những thái độ và hành động sai lầm khác. Chính vì vậy nên từ “nghiệp” thường gợi lên những điều tiêu cực, là từ để mọi người giải thích cho những tai ương trong cuộc đời mình hay người khác. Thông thường, chính những điều bạn ghét nhất và sợ nhất, thì lại xảy ra đúng với bạn. Hiểu theo luật hấp dẫn, thì là bạn đã hút chúng về. Hiểu theo luật của nghiệp, những điều bạn yếu kém nhất, muốn chối bỏ nhất, sẽ xảy ra đúng với bạn để bạn hoàn thiện mình.

Thứ hai, không tin mình đã làm những việc xấu trong tiền kiếp. Ở trong kiếp này, tôi không làm tổn hại bất kể một sinh vật nào, dù là một con kiến. Vậy nên tôi đã rất khó khăn để chấp nhận mình có tiền kiếp là một vị vua sẵn sàng giết hại cả nhà cháu ruột của mình để trừ hậu họa của việc mưu phản. Cảm giác sám hối, đau buồn của tôi khi thiền kết nối với tiền kiếp này đã chứng tỏ nghiệp đó là có thật. Bạn hãy nhớ rằng, con người kiếp này của bạn khác hoàn toàn với con người kiếp trước, và đã hiểu biết hơn nhiều, do vậy những sai lầm bạn không mắc ở kiếp này, có thể là do học được bài học từ chính những sai lầm từ kiếp trước.

Thứ ba, không hối lỗi với những việc làm của tiền kiếp, ngay cả khi đã truy cập được đầy đủ thông tin. Việc này xảy ra phổ biến với những bạn mắc nghiệp nặng như giết người hàng loạt, hay có tiền kiếp là những người độc ác nổi tiếng. Thông thường, khi nghiệp trổ ra, các bạn sẽ gặp những biến cố rất lớn như bị trầm cảm, hoảng loạn trong nhiều năm trời, bị những căn bệnh nan y như ung thư, bị vong hành thường xuyên. Ở trí tuệ thông thường, không thể dễ dàng tin mình là những nhân vật đó, không thể dễ dàng chấp nhận mình đã làm những việc làm man rợ như vậy, cũng không thể dễ dàng chấp nhận xin lỗi những người không hề quen biết, không rõ là ai kia. Nhưng đó lại là cách duy nhất để bạn kết thúc được nghiệp.

Thứ tư, khi đã hiểu ra, thì tìm mọi cách để thoát khỏi nghiệp một cách nhanh chóng, bất chấp bằng cách nào. Đây cũng là thái độ rất phổ biến. Với mong muốn và quan điểm này, bạn sẽ tìm đến một ông thầy thật cao tay, dù là thầy thuốc, thầy chùa, thầy bói hay thầy pháp, sẵn sàng chi trả một số tiền lớn, để đặt hàng vị thầy giải quyết vấn đề của mình. Với bạn, dù mất một khoản tiền và một chút công sức, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng so với những hậu quả mà bạn đang chịu. Bạn coi đây là một cuộc mua bán, trao đổi, thậm chí là hình thức hối lộ thần linh. “Trần sao, âm vậy” mà. Khi đã chi tiền, bạn có quyền yêu cầu người thầy kia phải giải quyết được, và giải quyết nhanh nhất cho bạn. Tôi đã có nhiều ca làm việc với các chủ thể liên quan đến đạo mẫu, hầu đồng. Hóa ra đạo mẫu, hầu đồng cũng là một kênh kết nối với các vị thầy. Nhưng khi một người tìm đến đạo mẫu, hầu đồng, chi một số tiền lớn chỉ để kiếm được thật nhiều tiền, để lấy được người như ý, hay để thoát được nghiệp, mà không quan tâm đến bài học, đến tu tập, thì rất hay bị vong, thực thể bóng tối giả dạng thần linh dẫn dắt, khiến trong bạn ấy lòng tham và nỗi sợ cứ ngày một tăng lên. Trong các vị thầy kể trên, thầy thuốc có thể giúp bạn chữa được nhiều bệnh, đó là do nghiệp bạn còn khá nhẹ, bài học của bạn chỉ là biết trân trọng cơ thể. Tuy nhiên, với những nghiệp nặng, không một phương pháp chữa trị thông thường nào có thể giúp được cho bạn. Rất nhiều người giàu và siêu giầu cũng phải qua đời vì bệnh ung thư.

Hậu quả của việc trốn tránh nghiệp là khôn cùng

Thứ nhất, bạn sẽ lãng phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do không chịu nhìn ra bài học, muốn đi tắt, muốn dùng tiền để mua bán, hối lộ, nên thiệt hại về vật chất có thể rất nhiều. Trong số những người gặp khó khăn về tài chính, những người từ chối sứ mệnh thường nặng nhất, vì họ cần một cú hích mạnh. Những người không thừa nhận nghiệp, thì tùy theo nghiệp, mà có thể bị ảnh hưởng về tiền bạc hay không. Nghiệp về tiền bạc thường được trả bằng tiền bạc, nghiệp về sinh mạng cũng có thể được trả bằng tiền bạc. Khi nghiệp đến, có nhiều người bỗng chốc xuất hiện, hoàn thành xuất sắc vai diễn của họ để gây cho bạn những tổn hại đích đáng. Ví dụ: người lừa đảo về kinh doanh, người vỡ nợ bỏ trốn, người làm tâm linh không có đạo đức,…

Thứ hai, vấn đề của bạn ngày càng nặng hơn. Do nguyên nhân vẫn còn đó, nên nếu bạn đang mắc bệnh thì bệnh tình ngày một nặng, nếu đang nợ nần thì ngày càng nợ nần nhiều hơn, nếu đang bị vong tác động thì vong ngày càng dữ dằn hơn.

Thứ ba, bạn không những không hóa giải được nghiệp cũ, mà có thể còn tạo thêm nghiệp mới cho chính mình, đó là nghiệp của vô minh, lòng tham, sự sân hận. Vô minh vì bạn thiếu hiểu biết về nghiệp. Lòng tham vì bạn muốn trả giá một chút, mà lại muốn giải quyết được nhiều. Sân hận vì bạn mong mau chóng để thoát khỏi, tránh né những hậu quả này. Những người mà bạn nhờ giải quyết cho bạn cũng có thể tạo nghiệp, tôi sẽ trao đổi về vấn đề này trong bài viết sau.

Cuối cùng, quan trọng nhất, bạn sẽ học lại bài học với cấp độ ngày càng khó khăn hơn. Trong kiếp hiện tại, các vấn đề của bạn sẽ ngày càng nặng. Khi kết thúc kiếp sống, nghiệp này lại được kích hoạt, để sang kiếp sống sau, bạn sẽ tiếp tục gặp lại đúng vấn đề này. Tôi đã gặp nhiều chủ thể đã mất nhiều kiếp sống để chỉ học một bài học về việc tự tin vào chính mình, không sợ hãi, thù hận khi bị giết, tha thứ cho người đã phụ tình mình. Trong một số trường hợp, chính thủ phạm đó đã đầu thai nhiều lần và cứ tiếp tục là thủ phạm cho cùng một hành vi với chủ thể đó.

Để không trở thành người trốn chạy khỏi nghiệp và lãnh nhận những hậu quả nặng nề hơn, có hai nhóm giải pháp bạn cần thực hành

Nhóm giải pháp đầu tiên là nhóm về thái độ. Có ba điều bạn cần rút ra từ nghiệp.

  • Thứ nhất, nghiệp là quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của bạn. Nghiệp là cơ chế để linh hồn học hỏi. Vì vậy, thái độ đúng đắn và cũng thực tế nhất với nghiệp, là không phản ứng, không sợ hãi, không trốn tránh, trái lại, hãy tận dụng nghiệp như một cơ hội để học hỏi và tiến bộ hơn.
  • Thứ hai, hãy tập trung vào bài học mà bạn cần phải học là gì để kết thúc nghiệp. Đừng tập trung xử lý những hiện tượng bên ngoài của nghiệp, đó không phải là nguyên nhân. Tương tự như việc bạn bị đau đầu, nếu uống thuốc giảm đau, thì cơn đau có thể chấm dứt do cảm giác của bạn đang bị đánh lừa, nhưng những nguyên nhân liên quan đến huyết áp, lưu thông máu, khối u não sẽ không được phát hiện và xử lý. Đương nhiên, khi tác động của nghiệp quá mạnh, bạn có thể sử dụng những phương pháp tạm thời để đủ bình tĩnh, tĩnh táo để xử lý nghiệp. Cũng như trong ca thôi miên, chúng tôi vẫn dùng kỹ thuật đếm và ra lệnh để chủ thể hết bị đau, lạnh hay sợ hãi, rồi mới tìm nguyên nhân từ nghiệp tiền kiếp, vong hay những vấn đề khác. Điều kỳ diệu là khi bạn hiểu ra và kết thúc bài học, thì tất cả các vấn đề trên cơ thể hay cả cuộc sống của bạn cũng sẽ chấm dứt mà không cần có bất kể tác động nào ở thế giới vật lý.
  • Thứ ba, hãy hiểu rằng nghiệp đến để tạo cơ hội cho bạn tiến bộ, cho bạn có một bước nhảy. Giống như việc khi đi rừng, bạn vô tình để cho rất nhiều dây rợ trói buộc vào hai chân và cơ thể, khi nhìn ra, bạn chỉ việc chặt đứt hết đám dây rợ đó, để thoải mái băng rừng về đích. Những nghiệp càng nặng, lại càng tạo ra bước nhảy lớn. Khi đã hiểu ra bài học cần phải tôn trọng sự sống, không được giết hại, thì bạn không chỉ không bao giờ giết hại bất kể con người nào trong bất kể kiếp sống nào nữa, mà trong bạn còn phát sinh tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ, muông thú. Đối với những người có sứ mệnh chữa lành, chữa lành được nghiệp sát sinh, cũng đồng nghĩa với việc một lần nữa phát nguyện đi theo sứ mệnh chữa lành, cũng đồng nghĩa được khai mở những năng lực chữa lành mới. Chính vì vậy, những người chữa lành là những người cần phải chữa lành cho mình nhiều nhất.

Nhóm giải pháp thứ hai là nhóm giải pháp liên quan đến hành động

  • Quan trọng nhất là hãy tự chữa lành cho mình. Với những trải nghiệm trong đời sống và những tri thức như tôi vừa chia sẻ, bạn có thể nhìn ra, hay đoán được nghiệp mình đang cần phải trả là gì. Hãy tìm mọi cách thay đổi không chỉ thái độ, suy nghĩ, mà còn hành động. Hãy đảo ngược lại tất cả những điều tiêu cực bạn đã làm, tạo ra một năng lượng tích cực để triệt tiêu tất cả những năng lượng tiêu cực bạn đã tạo ra, dù cho là ở kiếp nào. Bạn là người cần phải học, nên khi chính bạn hoàn tất bài học, thì mọi thứ sẽ được kết thúc nhanh chóng. Hãy luôn kiên trì, nhẫn nại với cả chính mình. Đó chính là cách bạn yêu thương và chấp nhận mình. Bài học nào cũng có thời lượng tối thiểu. Bạn cần hoàn tất thời lượng tối thiểu này thì mới có thể tốt nghiệp.
  • Thứ đến, hãy tìm đến các phương pháp tu tập và chữa lành. Phương pháp tốt là phương pháp phù hợp với bạn. Đừng quá quan tâm đến ý kiến của người khác, hãy đi theo tiếng gọi của trái tim bạn. Chắc chắn bạn sẽ thay đổi nhiều phương pháp, nên cứ thử nghiệm và đặt hiệu quả là tiêu chí quan trọng hàng đầu.
  • Cuối cùng, nếu các phương pháp trên chưa hiệu quả, hoặc bạn tự cảm thấy thôi thúc, thì hãy tìm cho mình một người giúp đỡ. Ở cấp độ thấp hơn, đó là người dẫn kênh, giúp bạn nhìn ra được bài học, thông điệp cần thiết, là người giảm bớt những tác động tiêu cực của nghiệp, là cầu nối để bạn gặp những vị thầy khác. Đây chính là những nhà chữa lành. Ở cấp độ cao hơn, đó là người giúp bạn tìm về được nguồn gốc, là người chỉ ra sứ mệnh của bạn, là người dẫn dắt bạn trên con đường tâm linh. Đó chính là những vị thầy mà bạn có thể đã đi cùng với họ qua nhiều kiếp sống.

Tác giả: Cư sỹ Giác Minh

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

error: Content is protected !!
Exit mobile version